SpStinet - vwpChiTiet

 

Tăng cường hỗ trợ ứng dụng KH&CN cơ sở

Ngày 20/7, Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM tổ chức hội thảo “Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn quận - huyện ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST), nâng cao năng suất chất lượng”.

Ngày 20/7, Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM tổ chức hội thảo “Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn quận - huyện ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST), nâng cao năng suất chất lượng”. Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2017, các quận/huyện đã triển khai nhiều nội dung hoạt động như chủ động tổ chức khảo sát nắm bắt nhu cầu, liên kết và triển khai 54 đề án, dự án ứng dụng KH&CN cho các phòng ban, đơn vị và 24 dự án ứng dụng KH&CN cho các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn. Công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật về KH&CN cũng được triển khai khá mạnh và đồng bộ thông qua nhiều hình thức, trong đó đã mở 61 lớp tập huấn cho 4.447 người từ các cơ sở, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cán bộ quản lý cấp quận/huyện, phường - xã. Về phía Sở KH&CN TP. HCM, đã tổ chức khảo sát, kết nối xác định các nhu cầu ứng dụng KH&CN cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể,… trên địa bàn các quận/huyện, ví dụ như xử lý khói trong sản xuất tàu hủ tại quận Tân Phú, nuôi cua thương phẩm trên ruộng muối huyện Cần Giờ, hệ thống rửa củ nghệ tươi cho các hộ dân huyện Củ Chi,…

Ông Trần Thu Bích trao đổi tại hội thảo. Ảnh: LV

Thực hiện công tác hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp, Sở KH&CN đã tiếp nhận 19 yêu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và lựa chọn 7 dự án triển khai, trong đó có 6 dự án liên quan đến nuôi trồng (nuôi thương phẩm tôm càng xanh toàn đực theo hướng VietGap; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý giống và nuôi heo an toàn; xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa tiên tiến; chuyển giao giống heo có nguồn gốc Đan Mạch; nhân giống lan Mokara cắt cành bằng phương pháp nuôi cấy mô; mô hình trồng dưa lưới trên giá thể nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt) và 1 dự án thiết kế, chế tạo thiết bị sấy áp dụng hiệu ứng nhà kính với dàn sấy tự động cho cá.

Công tác phối hợp giữa Sở KH&CN với phòng kinh tế các quận/huyện thực hiện các khảo sát, kết nối đã xác định nhiều yêu cầu thực tiễn về ứng dụng KH&CN tại các cơ quan nhà nước, ví dụ như: hình thành không gian tổ chức hoạt động ĐMST tại UBND quận 10; triển khai áp dụng mô hình KPI (Hệ thống đo lường và đánh giá hiệu quả công việc) tại quận Phú Nhuận; ứng dụng GIS phục vụ các công tác quản lý nhà nước tại quận 10, quận Gò Vấp, xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè),…

Cũng trong thời gian này, phòng kinh tế các quận/huyện đã phối hợp thanh tra Sở KH&CN, Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng kiểm tra 545 doanh nghiệp về mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, cột đo xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, hàng đóng gói sẵn,… Bên cạnh đó, Sở KH&CN TP. HCM cũng đã tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ bồi dưỡng về KH&CN cho cán bộ công chức; các lớp đào tạo về ĐMST cho 301 giáo viên và 956 học sinh của 182 trường tiểu học, trung học cơ sở.

Đại diện quận, huyện trao đổi đề xuất với Sở KH&CN. Ảnh: LV.

Theo ông Trần Thu Bích (Trưởng phòng Quản lý KH&CN cơ sở, Sở KH&CN TP. HCM), các hoạt động KH&CN và ĐMST chưa được các quận/huyện triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực quản lý về KH&CN. Đặc biệt, chưa có cán bộ chuyên trách về KH&CN, cán bộ kiêm nhiệm thường xuyên thay đổi đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của hoạt động KH&CN cấp quận/huyện. Trong thời gian tới, Sở KH&CN TP. HCM sẽ tập trung đẩy mạnh công tác triển khai các mô hình ứng dụng KH&CN cho các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và công tác đào tạo ĐMST, năng suất chất lượng và phong trào ĐMST trên địa bàn quận/huyện.

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP. HCM) cho biết, ứng dụng KH&CN để nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị công lập, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp là hai nội dung mà hoạt động KH&CN cấp cơ sở cần chú trọng, tập trung thực hiện trong thời gian tới. Muốn vậy, các quận/huyện cần áp dụng KH&CN, ĐMST đúng hướng để nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị công lập (ví dụ như trường học, bệnh viện,…); hiểu rõ thực lực doanh nghiệp, lực lượng nòng cốt, chủ lực để phát triển kinh tế, trên địa bàn (ngành nghề, số lượng, năng suất, chất lượng lao động) cùng các nhu cầu hỗ trợ để đề xuất những nội dung cần cải tiến, đổi mới,… để Sở xem xét, hỗ trợ triển khai.

Cũng tại hội thảo, Sở KH&CN TP. HCM đã giới thiệu các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST trong giai đoạn 2016 – 2020: tư vấn cho 50% doanh nghiệp vừa và lớn ngoài nhà nước thành lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho 10.000 doanh nghiệp; hỗ trợ 1.000 dự án đổi mới công nghệ, sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng; hỗ trợ 2.000 dự án khởi nghiệp; 50% hệ thống trường phổ thông có câu lạc bộ hoạt động ĐMST; 20 trường đại học, cao đẳng có giảng viên, giáo trình và giảng dạy về khởi nghiệp; xây dựng các chính sách ưu đãi, đào tạo về công cụ quản trị năng suất, chất lượng và ĐMST; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và sản phẩm;…

Tải bài viết tại đây