Hiện nay các tàu cá khai thác xa bờ Việt Nam đều phải mang theo nước ngọt từ đất liền nên rất tốn kém, bị động và thời gian đi biển bị rút ngắn; các vùng dân cư ngoài hải đảo xa cũng thường xuyên bị khan hiếm nước ngọt; các vùng nuôi thủy sản rất cần cân bằng độ mặn nhằm tối ưu sự phát triển của con tôm, con cá. Do vậy, biến nước mặn thành nước ngọt là nhu cầu rất lớn của bà con vùng biển nước ta.
Kiên trì theo đuổi mục tiêu biến nước mặn thành ngọt
Tâm huyết với việc xử lý nước mặn thành ngọt đáp ứng nhu cầu của người dân vùng biển, ông Lê Văn Khoát - Giám đốc Công ty TNHH Kim Hồng đã nghiên cứu các công nghệ và thiết bị nước ngoài được đánh giá cao để cải tiến, sản xuất ra các sản phẩm phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Giải pháp bốc hơi và ngưng tụ. Bắt đầu từ năm 2001, Công ty Kim Hồng đã hợp tác với một công ty Úc để nghiên cứu thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt sử dụng năng lượng mặt trời (NLMT). Đây là phương pháp xử lý bằng cách dùng NLMT làm nóng để chuyển nước mặn thành hơi nước, sau đó ngưng tụ thành nước không chứa muối và các khoáng chất; bức xạ cực tím có trong ánh sáng mặt trời sẽ tiêu diệt vi sinh vật, làm sạch nước. Nước ngọt thu được có thể uống an toàn.
Giải pháp này có hiệu suất sử dụng NLMT lên đến 80%, chi phí thấp, thân thiện với môi trường. Thiết bị được chế tạo có công suất nhỏ nhưng đơn giản, dễ sử dụng, phù hợp với nhu cầu sử dụng của các gia đình, cơ sở sản xuất nhỏ, người dân vùng biển, vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa,… nơi không có điều kiện tiếp cận với nguồn nước sạch và an toàn. Thiết bị này đã đưa ra thị trường năm 2011, được lắp đặt tại nhiều địa phương như Phú Yên, Cà Mau….
Biến nước mặn thành nước ngọt hiệu suất cao. Năm 2013, Công ty Kim Hồng giới thiệu thiết bị xử lý nước mặn thành nước ngọt hiệu suất cao sử dụng nguyên lý lọc thẩm thấu ngược RO (Reverse Osmosis). Đây là phương pháp lọc đang được sử dụng phổ biến trên thế giới hiện nay. Theo công nghệ này, thiết bị xử lý nước mặn thành nước ngọt được chế tạo với các lõi lọc có màng lọc chứa các khe hở vô cùng nhỏ, đường kính từ 1-50 nm. Khi nước mặn đi qua thiết bị xử lý, các phân tử có kích thước lớn như muối, tạp chất lẫn trong nước mặn sẽ bị giữ lại, phân tử nước có kích thước nhỏ sẽ đi qua được các lớp của màng lọc. Giải pháp này đơn giản, hiệu suất cao (lên đến 33%, tức cứ 100 lít nước mặn cấp vào sẽ cho ra 33 lít nước lọc) nhờ nước mặn được đẩy qua màng lọc RO dưới áp lực cao chỉ cho dòng nước tinh khiết đi qua các lõi lọc. Nước thành phẩm đạt tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT, nghĩa là có thể uống được ngay mà không cần phải lọc hay nấu lại.
Thiết bị được chế tạo gọn nhẹ, dễ sử dụng, di chuyển. Có thể ứng dụng để lọc với qui mô công suất lên đến 500m3/ngày, phù hợp với các cộng đồng dân cư đông đúc. Sản phẩm đã được lắp đặt tại nhiều địa phương như Tiền Giang, Bến Tre, Vũng Tàu,...
…Đến cân bằng độ mặn trong nuôi trồng thủy sản
Một ứng dụng khác của các thiết bị xử lý nước mặn thành nước ngọt của Công ty Kim Hồng là cân bằng độ mặn cho các trại nuôi tôm, cá, thủy sản.
Độ mặn ổn định sẽ hỗ trợ tốt cho khả năng sinh trưởng của các loài thủy sản, nhất là đối với một số loài chỉ có thể sống ở một độ mặn nhất định. Việt Nam có hai mùa mưa - nắng nên việc duy trì độ mặn ổn định cho nuôi trồng thủy sản rất khó khăn. Vào mùa hạn hán, nhiệt độ luôn duy trì ở mức cao, lượng nước bốc hơi rất nhanh, độ mặn nâng cao từng ngày. Vào mùa mưa, nước mưa liên tục đổ xuống làm độ mặn giảm đi đáng kể. Để khắc phục, vào mùa nắng, nhiều người nuôi tôm tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng,… đã dùng nguồn nước giếng khoan bơm trực tiếp vào vuông tôm để giảm độ mặn. Tuy nhiên, việc này sẽ làm cho độ kiềm trong ao nuôi tăng lên nhiều lần, làm vỏ con tôm sẽ bị cứng, tôm rất khó lột vỏ, chậm lớn. Chưa kể đến hàm lượng các chất kim loại trong loại nước này luôn vượt mức cho phép, làm ảnh hưởng môi trường nuôi. Ngoài ra, việc này sẽ làm hạ thấp mạch nước ngầm dẫn tới sụt lún mặt đất và tạo điều kiện xâm nhập mặn diễn ra nhanh hơn. Ngược lại, vào mùa mưa các trại nuôi thủy sản lại phải mua nước biển ở xa với giá rất đắt để làm tăng độ mặn ao nuôi, có trại tiêu tốn mỗi năm lên đến vài trăm triệu đồng chỉ riêng cho hạng mục này.
Với thiết bị xử lý nước mặn thành nước ngọt hiệu suất cao, giải pháp cho vấn đề trên trở nên đơn giản. Ông Khoát cho biết, khi nước không đủ độ mặn thì chỉ cần lọc nước lợ, lấy nước ngọt sử dụng và xả nước mặn trở lại ao nuôi. Khi nước có độ mặn quá cao trong mùa khô thì chỉ cần lọc nước, lấy nước ngọt trả ngược lại ao nuôi và tách nước mặn để riêng. Việc ổn định độ mặn ao nuôi trong cả hai mùa mưa-nắng có thể giải quyết dễ dàng với cùng một thiết bị. Hơn nữa, do nước đã được lọc nên không tiềm ẩn các nguồn rủi ro như mầm bệnh, vi khuẩn gây hại.
Liên tục cải tiến sản phẩm
Các sản phẩm của Công ty Kim Hồng nhờ giá cả cạnh tranh và bảo hành tốt nên nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các trại nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Khoát cho biết. Hiện nay các thiết bị xử lý nước mặn thành ngọt của Công ty Kim Hồng đã được lắp đặt tại nhiều nơi, đặc biệt là các vùng đảo xa. Tháng 10/2013, thiết bị đầu tiên được lắp đặt tại Vũng Tàu và lượng đơn hàng liên tục tăng. Đến năm 2016, Kim Hồng đã triển khai hơn 100 sản phẩm cho tàu cá các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre; trong tháng 6/2016, sẽ thực hiện công trình cung cấp nước sạch bằng NLMT tại Cà Mau. Đây là dòng sản phẩm xử lý nước mặn thành ngọt có thể báo hết nước lọc qua điện thoại cho người dùng.
Không dừng lại ở đó, sau nhiều năm phát triển, Công ty Kim Hồng liên tục đưa ra những tính năng mới cho sản phẩm. Ví dụ như thiết bị xử lý nước mặn thành nước ngọt hiệu suất cao có gắn chip tự động tinh chỉnh độ mặn; cải tiến độ bền của thiết bị bốc hơi và ngưng tụ với mục tiêu có thể sử dụng sản phẩm đến hàng chục năm mà không phải sửa chữa; tích hợp chip tự động tinh chỉnh độ mặn cho thiết bị nhỏ với giá cả phù hợp, ông Khoát cho biết.
MI HOÀNG, STINFO số 6/2016
Tải bài này về tại đây.