SpStinet - vwpChiTiet

 

Ươm tạo doanh nghiệp thành công từ kết quả nghiên cứu


 

Sau nhiều năm nghiên cứu nano curcumin, Nacur Vital, sản phẩm bảo vệ sức khỏe được nghiên cứu bởi các nhà khoa học trẻ thuộc Trung tâm Nghiên cứu-Triển khai (Khu Công nghệ cao TP. HCM) đã được thị trường chấp nhận với lượng tiêu thụ ổn định và một doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành, đã minh chứng hướng đi đúng của mô hình liên kết các đơn vị nghiên cứu – vườn ươm trong chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
 

 

Thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu
 

Ngày 17/5/2016, Trung tâm Nghiên cứu-Triển khai (Trung tâm R&D) phối hợp với Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC), hai đơn vị thuộc Khu Công nghệ cao TP. HCM (SHTP), đồng tổ chức lễ tốt nghiệp cho Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ Viotek và giới thiệu sản phẩm Nacur Vital. Tại sự kiện này, Công ty TNHH Đầu tư công nghệ Kết nối không gian (Spacelink) cũng đã ký kết hợp đồng độc quyền phân phối sản phẩm Nacur Vital với Viotek, bao tiêu 2.000 chai/tháng, bắt đầu từ ngày 01/5/2016. Đây được xem là bước đi ban đầu thành công của một mô hình khởi nghiệp doanh nghiệp từ chính kết quả nghiên cứu khoa học tại Trung tâm R&D với sự hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm từ SHTP-IC.


Sản phẩm Nacur Vital đã được đưa ra thị trường.
Ảnh: VN.


Với Nacur Vital, Trung tâm R&D đã thành công trong việc đưa một sản phẩm từ đề tài nghiên cứu khoa học thành sản phẩm phục vụ đời sống dân sinh, bằng việc tự đầu tư sản xuất và đưa ra thị trường qua Công ty Viotek, một doanh nghiệp được ươm tạo tại SHTP-IC. Ra đời từ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Nano và Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học thuộc Trung tâm R&D, Nacur Vital là sản phẩm bảo vệ sức khỏe ở dạng chất lỏng, được chiết xuất từ tinh chất nghệ bằng công nghệ nano với hàm lượng nano curcumin 10%, kích thước hạt nghệ trung bình 170 nm (nanomét), được sản xuất theo phương pháp topdown (từ hạt lớn chuyển thành hạt nhỏ). Sản phẩm có tác dụng kháng viêm, tăng cường chức năng gan, giải độc gan, giúp làm lành vết thương, giảm tổn thương niêm mạc dạ dày, giúp giảm tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị. So với sản phẩm cùng loại trên thị trường (hàm lượng 4.200 mg hoặc 4.500 mg curcumin/lọ), Nacur Vital có hàm lượng 6.000 mg curcumin/lọ, giá 200 ngàn đồng, thấp hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại. Điểm khác biệt nữa so với các sản phẩm có chứa curcumin đang lưu hành trên thị trường (viên nang) là Nacur Vital được sản xuất ở dạng nước. Công nghệ nano đã được ứng dụng để chuyển dạng curcumin không tan trong nước, khó hấp thu vào cơ thể thành dạng nano curcumin tan trong nước, với khả năng hấp thu vào cơ thể cao gấp nhiều lần, giúp tăng cường tính sinh khả dụng.


Ông Ngô Võ Kế Thành (Giám đốc Trung tâm R&D – SHTP) điểm lại quá trình nghiên cứu sản xuất và thương mại hóa sản phẩm Nacur Vital.
Ảnh: VN.

Viotek được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số 000564/2015/ATTP-CNĐK ngày 3/9/2015 và Nacur Vital được xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 26142/2015/ATTP-XNCB ngày 8/10/2015 do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp.


Ông Phan Văn Tiến (Giám đốc Viotek) cho biết, Viotek ra đời nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu từ Trung tâm R&D trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ nano, công nghệ sinh học để tăng giá trị và hiệu quả của các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe cũng như mỹ phẩm. Ngày 13/11/2015, Viotek ra mắt sản phẩm đầu tay là Nacur Vital và khánh thành xưởng sản xuất với công suất 2.000 chai/tháng, khi nâng cấp lên có thể sản xuất đến 20.000 chai/tháng. Đến nay, hơn 6.000 sản phẩm Nacur Vital đã được cung ứng trên thị trường. Song song với sự phát triển về doanh số của Nacur Vital, Viotek cũng đang xúc tiến đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng sản xuất (xưởng sản xuất đạt chuẩn GMP), đa dạng hóa sản phẩm liên quan đến nano curcumin, nhắm đến phát triển các sản phẩm thảo dược thuộc nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm. Nacur Vital đảm bảo về mặt chất lượng, nhưng cần phải nỗ lực nhiều hơn trong công tác tiếp thị và phát triển thị trường. Viotek đã sẵn sàng hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất tinh nghệ nano, góp phần làm gia tăng các giá trị của các thảo dược trong nước, cũng như phù hợp với định hướng chung về phát triển KH&CN tại TP. HCM.
 


Hợp tác ươm tạo doanh nghiệp
 

Thành công của Viotek ngày nay chính là nhờ mô hình hợp tác ươm tạo doanh nghiệp phát triển từ hoạt động nghiên cứu nội sinh của Trung tâm R&D. Tại lễ tốt nghiệp, Trung tâm R&D và SHTP-IC đã cùng ký biên bản thỏa thuận thống nhất cùng hợp tác trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp từ sản phẩm nghiên cứu của Trung tâm R&D và cùng tham gia các chương trình quốc gia, thành phố về phát triển nghiên cứu khoa học dựa trên việc tạo ra các doanh nghiệp khởi nghiệp từ chính sản phẩm nghiên cứu trong SHTP.


Theo ông Ngô Võ Kế Thành (Giám đốc Trung tâm R&D), thành công bước đầu trong việc hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp Viotek từ kết quả nghiên cứu của Trung tâm R&D cho thấy, mô hình liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu và SHTP-IC để tạo ra các doanh nghiệp khởi nghiệp từ công nghệ cao là một mô hình tất yếu và đúng hướng, giúp định hình mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Sự ổn định sản xuất cũng như tiêu thụ Nacur Vital cho thấy sản phẩm này đã được thị trường chấp nhận. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với một công ty khởi nghiệp chưa đầy 2 năm như Viotek, giúp công ty có những bước phát triển tiếp theo mạnh dạn hơn.



Đại diện BQL SHTP trao chứng nhận tốt nghiệp cho Công ty Viotek.
Ảnh: VN

 

Ông Lê Thành Nguyên (Giám đốc SHTP-IC) cho biết, từ năm 2015 đến nay, SHTP-IC đã tổ chức và triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ cho nhóm dự án. Không chỉ được hỗ trợ kinh phí hoàn thiện sản phẩm mà nhóm dự án còn được hỗ trợ tư vấn, đào tạo thương mại hóa, tư vấn pháp lý,… để giảm thiểu rủi ro trong quá trình nghiên cứu, thương mại hóa và đẩy mạnh việc đưa sản phẩm ra thị trường. Hiện nay SHTP-IC đã có 5 doanh nghiệp vượt qua các kỳ sát hạch tốt nghiệp. Ngoài Viotek còn có 4 công ty khác là VN Robotics chuyên sản xuất cánh tay robot và robot, HoneyB sản xuất thiết bị cân bằng động, Health Coporation với sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ xa và Acis sản xuất các thiết bị điện tử cho mô hình ngôi nhà thông minh (SmartHome). Bên cạnh đó, SHTP-IC cũng gặt hái được một số kết quả nhất định, ví dụ như tạo ra hơn 250 việc làm có trình độ cao, hỗ trợ 31 dự án tham gia chương trình ươm tạo từ năm 2009 đến nay. Để được chứng nhận tốt nghiệp, các doanh nghiệp tham gia SHTP-IC phải chứng minh năng lực của mình bằng những sản phẩm hữu ích, phục vụ thị trường trong nước và cả việc hướng đến mục tiêu xuất khẩu.


Theo ông Lê Hoài Quốc (Trưởng Ban quản lý SHTP), Nacur Vital là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ đã được hoàn thiện, thương mại hóa và chuyển giao sản xuất có ý nghĩa rất lớn, đây cũng là mục tiêu mà SHTP đang hướng tới. Từ mô hình này, SHTP sẽ nhân rộng cho nhiều đề tài nghiên cứu khác.


Mô hình liên kết nghiên cứu, ươm tạo và hình thành doanh nghiệp mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ. Trong đó, các viện/trường nhận các đơn đặc hàng phát triển sản phẩm công nghệ từ doanh nghiệp, còn doanh nghiệp là nơi triển khai các sản phẩm nghiên cứu ra thị trường.


Công nghệ sản xuất tinh chất nghệ nano của Trung tâm R&D cũng hứa hẹn mở ra các hướng chuyển giao ứng dụng vào sản xuất, đặt hàng sản xuất các sản phẩm thực phẩm/sữa có nano nghệ. Đây là xu hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp nhờ công nghệ nano, làm gia tăng giá trị kinh tế của nông sản, phù hợp với định hướng chung về phát triển KH&CN phục vụ nông nghiệp và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của TP. HCM.


VÂN
NGUYỄN, STINFO số 6/2016

Tải bài này về tại đây.


Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả