SpStinet - vwpChiTiet

 

Giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt


 

Tại hội thảo về “Giải pháp tách phù sa, lọc nước biển và nước nhiễm mặn thành nước ngọt” được tổ chức tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP. HCM, 79 Trương Định, quận 1, TP. HCM vào sáng 24/3/2017, STINFO đã có trao đổi ngắn với ông Lê Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Việt Thái Sinh (đại lý độc quyền của hãng Parker và Lakos – Mỹ tại Việt Nam), về nội dung này.
 

* STINFO: Trong thời gian gần đây, báo chí trong và ngoài nước đã đưa tin nhiều về vấn đề xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông có nhận định gì về tình trạng này?


- Ông Lê Văn Quang: Đúng là ĐBSCL vừa gánh chịu đợt hạn, mặn lịch sử, khốc liệt nhất trong hơn 100 năm qua. Mực nước sông Mê Kông xuống ở mức thấp nhất đã gây thiệt hại trực tiếp đến 160.000 hecta lúa, nhiều diện tích hoa màu, cây ăn trái, cây giống mất trắng; chăn nuôi điêu đứng, mà cụ thể là nghêu chết, tôm không lớn, nhiều gia súc bị bệnh tật, thậm chí chết do thiếu thức ăn, nước uống. Nước sinh hoạt bị nhiễm mặn khiến nhiều người phải mua nước ngọt từ vùng khác mang đến với giá rất cao (lên đến cả trăm ngàn đồng mỗi mét khối).


Để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt sử dụng, việc sớm triển khai các giải pháp xử lý nước phù hợp cho các khu vực bị nhiễm mặn, lọc trực tiếp nước biển, nước lợ thành nước ngọt, giúp người dân có thể chủ động nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, đủ tiêu chuẩn và đảm bảo vệ sinh là rất cần thiết.
 

* Việt Thái Sinh có giải pháp nào để hỗ trợ giải quyết bài toán này?
 

- Ông Lê Văn Quang: Để giải quyết bài toán nêu trên, có thể ứng dụng giải pháp lọc mặn bằng công nghệ thẩm thấu ngược (dùng màng RO (Reverse Osmosis)). Giải pháp này chỉ cho nước nguyên chất đi qua, muối và các tạp chất được loại bỏ. Có nhiều dòng thiết bị ứng dụng giải pháp này với công suất từ 1,5 – 400 m3/ ngày, khả năng tách muối lên đến 99,4%.


Khu vực sông rạch nhiều phù sa, có thể ứng dụng giải pháp tách phù sa với công nghệ ly tâm, cho phép loại bỏ các tạp chất có kích thước từ 44 micron trở lên, không sử dụng hóa chất gây ô nhiễm môi trường, không phải súc rửa, tự động thải chất rắn. Thiết bị tách phù sa có khả năng loại bỏ 98% tạp chất rắn lơ lửng trong nguồn nước. Phổ công suất thiết bị khá rộng, từ 700 lít/giờ đến gần 3.000 m3/giờ, thích hợp cho sử dụng cả ở quy mô hộ gia đình cho đến quy mô công nghiệp.




* Ông có thể cho biết đâu là sự khác biệt chính của các dòng thiết bị lọc do Việt Thái Sinh cung ứng so với các thiết bị lọc khác?


- Ông Lê Văn Quang: Ứng dụng công nghệ của những thương hiệu hàng đầu, cùng với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành xử lý nước, Việt Thái Sinh đã đầu tư nhiều vào lĩnh vực nghiên cứu - phát triển công nghệ và đã tạo ra được những dòng thiết bị lọc nước biển, nước lợ, tách phù sa thỏa mãn được các yêu cầu khắt khe của những khách hàng khó tính. Điểm nổi bật của các thiết bị lọc do Việt Thái Sinh cung cấp là thiết bị được lập trình tự động súc rửa lại màng bằng nước ngọt, cho phép gia tăng tuổi thọ màng lọc lên đến 5 năm.


Thiết bị nhỏ gọn, lắp đặt và vận hành đơn giản, đáp ứng tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT, thích hợp sử dụng trên các tàu thuyền hoặc tại các vùng duyên hải, hải đảo, khu vực xâm nhập mặn theo mùa,…Các dòng thiết bị lọc công nghiệp được các khách hàng có yêu cầu cao ứng dụng hàng ngày trong các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp,…


* Thiết bị lọc nước của Việt Thái Sinh đã được triển khai ở đâu? Ông có thể cho biết một số địa chỉ cụ thể?


- Ông Lê Văn Quang: Đội ngũ kỹ sư của Việt Thái Sinh đã triển khai thành công nhiều hệ thống lọc nước lợ tại Giồng Trôm, Chợ Lách, Bình Đại (tỉnh Bến Tre). Hệ thống y tế (bệnh viện huyện, trạm y tế) của các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre), Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Trà Vinh cũng lắp đặt hàng chục máy lọc nước lợ,…Ngoài ra, chúng tôi cũng triển khai lắp đặt các máy lọc nước biển cho tàu đánh bắt xa bờ ở nhiều tỉnh như Bình Thuận, Long Hải, Vũng Tàu, Kiên Giang, Bình Định,…


* Xin cảm ơn ông.


PHƯƠNG NGA,
STINFO số 3/2017

Tải bài này về tại đây.