Trong những năm qua, hoạt động sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ (TSTT) đã được khởi xướng mạnh mẽ ở nhiều địa phương, góp phần tích cực thúc đẩy năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Hoạt động này sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ hơn với Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 – 2020. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Các nội dung của Chương trình
1. Nâng cao nhận thức, năng lực tạo lập và phát triển TSTT: (i) Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TSTT, xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về TSTT; (ii) Biên soạn, phát hành tài liệu về TSTT; (iii) Hỗ trợ thiết kế, xây dựng bộ công cụ tra cứu, các gói thông tin sở hữu trí tuệ (SHTT) chuyên ngành và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận, khai thác thông tin SHTT; (iv) Hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình quản lý và phát triển TSTT trong các doanh nghiệp (DN) và tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN), tổ chức bộ phận chuyên môn về TSTT; xây dựng và triển khai quy trình phát hiện, thống kê, đánh giá, quản lý TSTT.
2. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và bảo vệ TSTT: (i) Đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước đối với các sản phẩm, dịch vụ, ưu tiên các đối tượng là kết quả nghiên cứu khoa học, sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia, kiểu dáng sản phẩm và giống cây trồng mới; (ii) Quản lý và phát triển TSTT đối với các sản phẩm đặc thù của địa phương mang địa danh đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; (iii) Áp dụng sáng chế của Việt Nam, sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam, áp dụng giống cây trồng mới; (iv) Tổ chức triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT; (v) Tổ chức trưng bày, triển lãm phân biệt sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT và sản phẩm xâm phạm quyền SHTT.
3. Hỗ trợ khai thác thương mại và phát triển TSTT: (i) Giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác cho các TSTT của Việt Nam ở trong và ngoài nước; (ii) Hỗ trợ khai thác, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền SHTT; hỗ trợ thành lập và vận hành các DN, tổ chức khai thác, thương mại hóa TSTT; (iii) Định giá, kiểm toán tài TSTT, tập trung vào các đối tượng là sáng chế, tên thương mại, nhãn hiệu của các DN.
4. Hỗ trợ ứng dụng các TSTT, thành quả sáng tạo cá nhân được hình thành từ thực tiễn: (i) Tư vấn, hỗ trợ đăng ký xác lập quyền SHTT cho cá nhân có sáng kiến, giải pháp kỹ thuật và các thành quả sáng tạo khác; (ii) Hỗ trợ hoàn thiện, khai thác, áp dụng các TSTT và thành quả sáng tạo, đặc biệt là các TSTT, thành quả sáng tạo cá nhân có tính ứng dụng cao, khả năng áp dụng rộng rãi, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cộng đồng; (iii) Vinh danh, khen thưởng các cá nhân điển hình có TSTT, thành quả sáng tạo được áp dụng rộng rãi, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và xã hội.
Các cấp dự án
Các dự án thuộc Chương trình được chia thành 2 loại: (i) Dự án Trung ương quản lý, được xây dựng và triển khai theo mô hình điểm, có tính chất điển hình hoặc phức tạp, có tính đặc thù về chuyên môn; (ii) Dự án địa phương quản lý, được xây dựng và triển khai trên cơ sở kết quả thực hiện các mô hình điểm đã được tổng kết, nghiệm thu hoặc giải quyết vấn đề phát triển sản xuất, kinh doanh thuộc địa phương, đơn vị và phù hợp với năng lực tổ chức quản lý ở địa phương.
Kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện Chương trình gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước, đóng góp của DN và các nguồn hợp pháp khác. Trong đó, ngân sách nhà nước ở Trung ương sẽ bảo đảm kinh phí thực hiện các hoạt động chung của Chương trình ở Trung ương, các dự án do Trung ương quản lý và hỗ trợ có mục tiêu thực hiện các dự án do địa phương quản lý; ngân sách nhà nước ở địa phương chịu trách nhiệm bảo đảm kinh phí thực hiện các hoạt động chung của Chương trình ở địa phương và bảo đảm một phần kinh phí thực hiện các dự án do địa phương quản lý.
Theo Quyết định này, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, xây dựng và ban hành quy định quản lý Chương trình trong quý III/2016, và trực tiếp quản lý các dự án Trung ương quản lý. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ quản lý các dự án địa phương và phối hợp thực hiện các dự án do Bộ KH&CN quản lý; xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí để triển khai chương trình phát triển TSTT của địa phương. Bộ Tài chính có trách nhiệm cân đối, bố trí kinh phí sự nghiệp KH&CN để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình theo đề xuất của Bộ KH&CN.
TUẤN KIỆT, STINFO số 10/2016
Tải bài này về tại đây.