Là chương trình do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa chủ trì xây dựng và đệ trình Uỷ ban Nhân dân TP.HCM phê duyệt theo Quyết định số 2953/QĐ-UBND, ngày 07/6/2016, bước kế tiếp để triển khai Quyết định số 1519/QĐ-UBND, ngày 31/3/2016 của UBND TP.HCM về phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) chủ yếu giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn.
Mục tiêu của Chương trình
- Nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu KH&CN thông qua xây dựng các chương trình nghiên cứu KH&CN trọng điểm (04 ngành công nghiệp chủ lực, 09 ngành dịch vụ, ngành công nghiệp hỗ trợ, 07 chương trình đột phá).
- Tập trung đầu tư từ ngân sách Thành phố cho hoạt động nghiên cứu KH&CN tạo ra các sản phẩm ứng dụng trực tiếp vào sản xuất và đời sống xã hội, mang lại hiệu quả kinh tế cao và xuất phát từ đặt hàng của các doanh nghiệp (DN). Đầu tư cho các tổ chức KH&CN có ưu thế để hình thành các trung tâm nghiên cứu mạnh trong 04 ngành công nghiệp chủ lực theo mô hình tiên tiến của thế giới.
- Xây dựng, đổi mới cơ chế quản lý, tài chính, chính sách nhằm nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, quản lý cho đội ngũ KH&CN của Thành phố, thu hút mọi nguồn lực tham gia đầu tư, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KH&CN, thúc đẩy hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, tổ chức hoạt động KH&CN và DN. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu nhằm ươm tạo các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trọng điểm của Thành phố.
Các nhóm giải pháp thực hiện
Xây dựng chương trình nghiên cứu KH&CN trọng điểm và các định hướng nghiên cứu giai đoạn 2016-2020:
♦ Chương trình Cơ khí và tự động hóa: nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy, thiết bị; ứng dụng rô bốt cho sản xuất công nghiệp; thiết kế, chế tạo rô bốt thay thế ngoại nhập; thiết kế, chế tạo hệ thống điều khiển tự động các quá trình sản xuất; nghiên cứu phát triển công nghệ gia công, chế tạo các chi tiết cơ khí và khuôn mẫu cho ngành công nghiệp hỗ trợ; nghiên cứu chuyển giao công nghệ (CGCN), giải pháp nội địa hóa công nghệ chế tạo thiết bị, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ năng lượng.
♦ Chương trình Điện - Điện tử và công nghệ thông tin: nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vi mạch, các sản phẩm ứng dụng vi mạch; công nghệ, kỹ thuật, ứng dụng khai thác dữ liệu lớn (big data); công nghệ, kỹ thuật ứng dụng điện toán đám mây; công nghệ, kỹ thuật, sản phẩm ứng dụng di động, IoT, ứng dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS), viễn thám và các công nghệ liên quan; công nghệ, kỹ thuật, sản phẩm trong lĩnh vực an ninh thông tin.
Sử dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) để lập bản đồ có nguy cơ ngập lụt khu vực Quận 7.
♦ Chương trình Hóa dược, công nghệ thực phẩm và công nghệ vật liệu: nghiên cứu quy trình công nghệ bào chế thuốc và thực phẩm chức năng từ nguyên liệu trong nước; sản xuất, chế biến tinh lương thực - thực phẩm không sử dụng chất phụ gia; nghiên cứu công nghệ chế tạo vật liệu cao su kỹ thuật, cao su tổng hợp chuyên dụng, polymer, vật liệu mới tiên tiến,…; các loại pin nhiên liệu, tích trữ năng lượng, sản xuất nhiên liệu sinh học thế hệ thứ 2 và thứ 3; nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới.
♦ Chương trình Công nghệ sinh học: nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới (công nghệ tế bào gốc, công nghệ gen, công nghệ nano); nghiên cứu kỹ thuật tạo giống, nhân giống, bảo quản, chế biến,... (trong lĩnh vực nông nghiệp); cấy mô, ghép tạng, ghép tủy, sinh học phân tử - di truyền, liệu pháp tế bào, chẩn đoán,... (trong lĩnh vực y tế),...; nghiên cứu và sản xuất các loại kháng thể đơn dòng, vắc-xin thế hệ mới, KIT chẩn đoán, dược sinh học, chế phẩm sinh học,...
♦ Chương trình Quản lý và phát triển đô thị: nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp và mô hình nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành, cải cách hành chính; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp, mô hình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Thành phố; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp, mô hình nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu,… theo hướng phát triển đô thị thông minh, phát triển bền vững.
Thành phố Hồ Chí Minh.
♦ Các lĩnh vực KH&CN khác: nghiên cứu công nghệ, kỹ thuật, phương pháp và quy trình trong lĩnh vực điều trị và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; nghiên cứu về cơ chế, chính sách, giải pháp, mô hình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST), phát triển đời sống văn hóa; nghiên cứu phát triển công nghệ (PTCN), chính sách, giải pháp, mô hình thúc đẩy phát triển quốc phòng, an ninh của Thành phố; các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản khác.
♦ Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý hoạt động nghiên cứu KH&CN: sửa đổi, bổ sung và ban hành mới quy chế quản lý các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học (NCKH) và PTCN của Thành phố nhằm nâng cao năng lực quản lý, tổ chức triển khai và nâng cao hiệu quả của hoạt động NCKH và PTCN, ưu tiên đầu tư kinh phí từ ngân sách cho các đề tài, dự án có sự cam kết đồng đầu tư; cho các đề tài, dự án có sự cam kết hợp tác thực hiện giữa đơn vị nghiên cứu với DN, nhóm DN có ảnh hưởng đến một ngành, lĩnh vực sản xuất – kinh doanh (SX-KD); cho các chương trình nghiên cứu ứng dụng có sản phẩm cụ thể và có tác động ảnh hưởng lớn.
♦ Hoàn thiện và đổi mới quy trình tổ chức tuyển chọn, đánh giá đề tài, dự án.
♦ Điều chỉnh, bổ sung bộ biểu mẫu áp dụng quy trình quản lý, tổ chức triển khai thực hiện đề tài, dự án.
♦ Hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá làm cơ sở cho việc tuyển chọn các đề tài, dự án cần đầu tư và có tính phân loại cao nhằm xác định mức độ ưu tiên đầu tư kinh phí toàn phần hoặc một phần.
♦ Xây dựng cơ chế thúc đẩy hình thành và sử dụng quỹ phát triển KH&CN của DN cho hoạt động nghiên cứu triển khai.
Nâng cao tiềm lực KH&CN:
♦ Xây dựng cơ chế hợp tác trong hoạt động nghiên cứu KH&CN; ưu tiên đầu tư các đề tài, dự án được thực hiện bởi các nhà khoa học, các chuyên gia thuộc nhiều tổ chức nghiên cứu nhằm thúc đẩy hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh.
♦ Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở vật chất cho các phòng thí nghiệm (PTN), các tổ chức hoạt động KH&CN có thế mạnh nhằm nâng cao năng lực và thúc đẩy các tổ chức KH&CN phát triển theo mô hình tiên tiến thế giới.
♦ Khảo sát, đánh giá nhu cầu xã hội và năng lực hoạt động nghiên cứu phát triển của các tổ chức hoạt động KH&CN, các DN để lựa chọn đầu tư nhằm tạo ra một số sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trọng điểm của Thành phố.
♦ Xây dựng cơ chế định giá, giao quyền, chuyển giao kết quả nghiên cứu để thúc đẩy phát triển DN KH&CN.
♦ Xây dựng cẩm nang hướng dẫn sử dụng quỹ phát triển KH&CN của DN; đề xuất cơ chế đóng góp kinh phí của quỹ phát triển KH&CN của DN vào quỹ phát triển KH&CN của Thành phố; cơ chế đồng đầu tư (Nhà nước 30% - doanh nghiệp 70%) để phát triển sản phẩm KH&CN cho DN.
♦ Triển khai thực hiện thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) về tiềm lực các PTN trên địa bàn Thành phố.
♦ Xây dựng CSDL về tiềm lực của các tổ chức hoạt động KH&CN.
♦ Xây dựng CSDL mạng lưới chuyên gia KHCN.
♦ Xây dựng quy chế khai thác và chia sẻ lợi ích của các cơ sở KH&CN có sự hỗ trợ đầu tư từ ngân sách thành phố.
Xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KH&CN giai đoạn 2016 – 2020
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN:
♦ Xây dựng mạng lưới liên kết, hợp tác giữa các PTN trong nước và quốc tế.
♦ Xây dựng mạng lưới hợp tác quốc tế trong hoạt động NCKH và PTCN.
♦ Xây dựng cổng thông tin kết nối các nhà trí thức trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh công tác truyền thông và ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiên cứu KH&CN:
♦ Phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các chính sách của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về KH&CN.
♦ Công khai hóa quy trình, thủ tục, biểu mẫu hướng dẫn đăng ký và tổ chức triển khai thực hiện đề tài, dự án và các kết quả NCKH và PTCN.
♦ Xây dựng cổng thông tin nhận đăng ký hồ sơ trực tuyến: thành lập tổ chức hoạt động KH&CN; đăng ký hồ sơ thực hiện đề tài, dự án.
♦ Xây dựng và hoàn thiện quy trình điện tử quản lý và giám sát tiến độ thực hiện đề tài, dự án.
♦ Xây dựng hệ thống quản lý CSDL về tiềm lực KH&CN, quy trình truy xuất, cập nhật, chia sẻ thông tin, khai thác và sử dụng.
TUẤN KIỆT, STINFO số 9/2016
Tải bài này về tại đây.