Bộ KH&CN vừa ban hành Thông tư số 03/2016/TT-BKHCN ngày 30/3/2016, quy định về hồ sơ, nội dung và quy trình, thủ tục thẩm định cơ sở khoa học của chương trình phát triển (CTPT) kinh tế - xã hội (KT-XH), thẩm định công nghệ của dự án đầu tư (DAĐT). Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2016, áp dụng cho cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập, thẩm định CTPT KT-XH và DAĐT.
Phạm vi điều chỉnh của Thông tư là hồ sơ, nội dung và quy trình, thủ tục thẩm định cơ sở khoa học của CTPT KT-XH (gọi tắt là thẩm định CSKH); thẩm định công nghệ của DAĐT thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư (QĐCTĐT), dự án thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không thuộc diện QĐCTĐT theo quy định của Luật Đầu tư hoặc DAĐT thuộc diện QĐCTĐT, quyết định đầu tư (QĐĐT) của cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật về đầu tư công và xây dựng (gọi tắt là thẩm định CN).
Cơ quan thực hiện công tác thẩm định
Theo thông tư, cơ quan thực hiện công tác thẩm định CSKH và thẩm định CN là Bộ KH&CN hay Sở KH&CN các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương (Sở KH&CN), tùy theo tính chất của CTPT KT-XH hoặc DAĐT:
• Bộ KH&CN tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định và thực hiện thẩm định CSKH của CTPT thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; thẩm định CN của các DAĐT thuộc diện QĐCTĐT hoặc QĐĐT của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương.
• Sở KH&CN tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định và thực hiện thẩm định CSKH của CTPT của địa phương mà không thuộc thẩm quyền của Bộ KH&CN; thẩm định CN của các DAĐT thuộc diện QĐCTĐT hoặc QĐĐT của cấp có thẩm quyền của địa phương hoặc dự án thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của địa phương mà không thuộc diện QĐCTĐT.
Các nội dung thẩm định CSKH
• Luận chứng về sự cần thiết của CTPT.
• Phân tích điều kiện phát triển và thực trạng phát triển KT-XH; đánh giá việc thực hiện CTPT của giai đoạn trước đó (nếu có); luận giải về lợi thế so sánh, khó khăn, hạn chế; kinh nghiệm quốc tế (nếu có).
• Cơ sở pháp lý, luận cứ khoa học, độ tin cậy của các thông tin, số liệu, tư liệu sử dụng để lập, xây dựng CTPT.
• Quan điểm và mục tiêu phát triển của CTPT.
• Đánh giá tác động của CTPT đến phát triển bền vững, phát triển KT-XH của ngành, lĩnh vực, địa phương, vùng lãnh thổ và đất nước.
• Xem xét sự phù hợp và tính đồng bộ của CTPT đối với các chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của quốc gia, vùng, lãnh thổ; quy hoạch ngành, lĩnh vực và các quy hoạch khác có liên quan đã được phê duyệt.
• Xem xét các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của CTPT; phương án, giải pháp để thực hiện CTPT.
• Xem xét các giải pháp KH&CN, nguồn lực thực hiện; tính khả thi và các biện pháp quản lý thực hiện CTPT; luận cứ danh mục các DAĐT thành phần, ưu tiên (nếu có).
• Những vấn đề khác có liên quan (nếu có).
Các nội dung thẩm định CN
• Công nghệ của dự án đầu tư: đối chiếu công nghệ với Danh mục công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ (CGCN); khả năng bảo đảm sản xuất các sản phẩm dự kiến (số lượng, chất lượng) và bảo đảm các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng, vệ sinh công nghiệp, an toàn lao động và vệ sinh môi trường của dây chuyền công nghệ (DCCN); xem xét phương án lựa chọn công nghệ nêu trong hồ sơ DAĐT: phân tích, so sánh ưu nhược điểm của từng phương án và trên cơ sở xem xét tính hoàn thiện của công nghệ, mức độ tiên tiến của DCCN, tính phù hợp của DCCN để nhận xét về phương án công nghệ được chọn; đối với dự án đầu tư trong khu công nghệ cao, công nghệ của dự án phải đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về công nghệ cao.
• Các sản phẩm do công nghệ tạo ra, thị trường sản phẩm: tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; dự báo nhu cầu thị trường (trong và ngoài nước) có tính đến các sản phẩm cùng loại, độ tin cậy của dự báo; thị phần của sản phẩm do công nghệ tạo ra, tỷ lệ xuất khẩu; khả năng cạnh tranh (về chất lượng, mẫu mã, giá thành) của sản phẩm do công nghệ tạo ra.
• Thiết bị trong DCCN: phải bảo đảm có tính năng, chất lượng phù hợp với yêu cầu của công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng và số lượng như dự kiến; tính đồng bộ của thiết bị trong DCCN (danh mục thiết bị của dự án đầu tư thể hiện khả năng thực hiện các công đoạn trong DCCN, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng sản phẩm). Nếu nhà đầu tư tham gia góp vốn bằng thiết bị, thiết bị cần bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp với công nghệ; xem xét cụ thể các nội dung chủ yếu như đặc tính, tính năng kỹ thuật, công suất, tình trạng thiết bị (mới hay đã qua sử dụng), thời gian bảo hành của các thiết bị chính của DAĐT; DAĐT có sử dụng máy móc, thiết bị, DCCN đã qua sử dụng dự kiến nhập khẩu, cần xem xét thêm: (i) tình trạng của máy móc, thiết bị, DCCN (tuổi thiết bị (năm sản xuất), thời gian đã sử dụng, thời gian sử dụng còn lại,...), (ii) nguồn gốc, xuất xứ của máy móc, thiết bị, DCCN, (iii) mức độ phù hợp của các tiêu chuẩn sản xuất máy móc, thiết bị, DCCN so với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) hoặc tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
• Nguyên, nhiên, vật liệu, linh kiện, phụ tùng trong DAĐT: khả năng khai thác, cung ứng, vận chuyển, lưu giữ nguyên, nhiên, vật liệu để cung cấp cho DAĐT; chủng loại, khối lượng, giá trị các loại linh kiện, phụ tùng hoặc bán thành phẩm phải nhập ngoại hay sử dụng trong nước để gia công, lắp ráp, sản xuất ra sản phẩm; chủng loại, khối lượng, giá trị nguyên, nhiên, vật liệu phải nhập ngoại, khả năng sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu tại địa phương và trong nước, khả năng sử dụng nguyên liệu ít gây ô nhiễm môi trường.
• Tác động của công nghệ đến hiệu quả KT-XH: tác động của công nghệ đến sự phát triển KT-XH của địa phương, ngành, lĩnh vực (nâng cao trình độ công nghệ sản xuất của ngành, lĩnh vực, góp phần đổi mới công nghệ sản xuất của địa phương, góp phần làm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo ra sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương).
• Tác động của công nghệ đến môi trường: tác động của công nghệ đến môi trường tự nhiên, xã hội, sức khỏe cộng đồng,…
• Những vấn đề khác: theo yêu cầu của cơ quan chủ trì thẩm định DAĐT (nếu có).
Quy trình thẩm định
1. Cơ quan chủ trì thẩm định (cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp lấy ý kiến thẩm định của các bộ, ngành và địa phương liên quan để cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư hay phê duyệt chương trình phát triển theo quy định của pháp luật) gửi hồ sơ theo quy định đến cơ quan thẩm định CSKH (hay thẩm định CN) theo quy định.
2. Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định CTPT hay DAĐT (đối với DAĐT thuộc diện QĐCTĐT, QĐĐT), cơ quan thẩm định CSKH gửi văn bản thẩm định đến cơ quan chủ trì thẩm định CTPT (hay thẩm định CN). Đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không thuộc diện QĐCTĐT, thời hạn này là 10 ngày làm việc
3. Trong trường hợp CTPT (hay DAĐT) có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành và có phạm vi ảnh hưởng rộng, cơ quan thẩm định CSKH (hay thẩm định CN) quyết định việc lựa chọn lấy ý kiến chuyên gia hoặc của tổ chức tư vấn độc lập hoặc lập hội đồng tư vấn KH&CN để xem xét:
• Đối với trường hợp lấy ý kiến của chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập, cơ quan thẩm định CSKH (hay thẩm định CN) gửi hồ sơ đến chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn độc lập (phải là các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn cần tư vấn) để lấy ý kiến. Ý kiến của chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập là cơ sở giúp cơ quan thẩm định CSKH (hay thẩm định CN) có ý kiến thẩm định về CTPT (hay CN của DAĐT).
• Hội đồng tư vấn KH&CN do thủ trưởng cơ quan thẩm định CSKH (hoặc thẩm định CN) ra quyết định thành lập khi cần ý kiến tư vấn. Hội đồng này làm việc theo quy định của pháp luật về KH&CN. Trường hợp thẩm định CSKH cần lấy ý kiến hội đồng tư vấn KH&CN, thời gian thẩm định được kéo dài hơn, nhưng không quá 30 ngày làm việc và cơ quan thẩm định CSKH phải thông báo trước cho cơ quan chủ trì thẩm định CTPT.
Kinh phí thực hiện thẩm định:
Cơ quan thẩm định CSKH, thẩm định CN sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để chi cho các nhiệm vụ thẩm định CSKH, thẩm định CN theo quy định.
TÂY SƠN, STINFO số 6/2016
Tải bài này về tại đây.