Xén tóc (Trirachys bilobulartus grssitt & rondon) đục thân hại cây đước Rhizophora apiculata blume rừng phòng hộ Cần Giờ, TP.HCM
06/05/2009
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do PGS.TS Phạm Quang Thu, Lê Văn Bình (Viện Khoa học lâm nghiệp), Lê Văn Sinh (Ban quản lý rừng ngập mặn Cần Giờ) thực hiện nghiên cứu về đặc điểm hình thái, kết quả giám định và một số đặc điểm sinh học, tập tính của loài xén tóc đục thân cây đước thu được tại Cần Giờ.
Theo đó, sự thay đổi điều kiện sinh thái đã kéo theo sự xuất hiện của côn trùng gây hại là những lý do chính làm diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ có thể bị thu hẹp. Các lô rừng trồng năm 1986-1988 thuộc tiểu khu 9 và 15, cây đước bị xén tóc đục thân gây nên hiện tượng đổ gãy, tỷ lệ bị hại ở những khu rừng này là 53%. Loài xén tóc gây hại rừng đước Rhizophora apiculata trồng tại Cần Giờ, TP.HCM được xác định là loài Trirachys bilobulartus Gressitt & Rondon. Kết quả nghiên cứu này góp phần bổ sung về thành phần loài cho khu hệ xén tóc ở Việt Nam. Xén tóc trưởng thành có màu đen, cánh trước và râu đầu có những mảng màu nâu đen bất định làm toàn thân có hình loang lổ… Sâu non tơ nở từ trứng, cắn vỏ trứng chui ra ngoài và bắt đầu gặm vỏ để chui vào thân cây. Sâu non đục đường hang dọc theo thân cây, bề ngang của đường hang rộng 2-4 lần bề ngang của sâu non nhưng chiều cao chỉ tương đương với bề dày của sâu non. Sâu non cuối tuổi 6 đào thêm 1 hang theo hướng xiên gần ra đến vỏ cây, khoét rộng đáy, lót mùn gỗ, bịt kín cửa hang và hóa nhộng. Sâu non ngừng ăn để hóa nhộng từ cuối tháng 2. Giai đoạn nhộng khá dài, trung bình 30 ngày, từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 3. Xén tóc trưởng thành vũ hóa vào cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, rộ nhất từ 25/3-5/4, một năm có một thế hệ. Sau khi xén tóc vũ hóa, nước mưa chảy vào trong thân cây qua các lỗ vũ hóa, kéo theo các sinh vật gây mục gỗ, dẫn đến hiện tượng cây bị đổ gãy nhiều trong các khu rừng bị sâu hại.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, 8/2008)