SpStinet - vwpChiTiet

 

So sánh hiệu quả kinh tế và lượng phát thải khí nhà kính của các công nghệ sản xuất gạch khác nhau ở An Giang

Nhóm nghiên cứu Phạm Thị Mai Thảo (ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), Lê Hồng Vân (ĐH An Giang) thực hiện so sánh hiệu quả kinh tế và lượng phát thải khí nhà kính (GHG) của bốn công nghệ phổ biến (thủ công, Tuynel, Hoffman và đốt trấu kiểu Thái Lan) trong sản xuất gạch nung thông qua phương pháp khảo sát, thu thập số liệu và tính toán.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, địa phương có nhiều lò gạch thủ công nhất là tỉnh An Giang với 1.600 lò. Trung bình mỗi lần đốt, một lò thủ công có công suất từ 5.000 – 10.000 viên gạch, sẽ tiêu hao khoảng hàng chục tấn than, con người sẽ phải hít thở rất nhiều khí độc, dẫn đến các bệnh về phổi, hen và liên quan đến đường hô hấp. Việc sử dụng củi để đốt lò còn dẫn đến khai thác rừng làm giảm độ che phủ của rừng và việc đốt lò sẽ thải một lượng CO2 lớn, đó là một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Theo chủ trương của Chính phủ từ năm 2001, lò gạch thủ công được thay thế bằng những công nghệ mới có hiệu quả, ít ô nhiễm môi trường đang được ứng dụng tại An Giang như kiểu lò nung Hoffman, Tuynel và đốt trấu kiểu Thái Lan.

Theo kết quả của nghiên cứu này, tính toán trên đơn vị một viên gạch cho thấy, lò gạch thủ công mang lại lợi nhuận thấp nhất, chỉ 139 đồng và lượng phát thải khí nhà kính cao nhất 0,717 kg; lò Tuynel cho lợi nhuận cao nhất (305,36 đồng) và lượng phát thải GHG thấp nhất (0,147 kg). Giữa lò Hoffman và lò đốt trấu kiểu Thái Lan, lò Hoffman tốt hơn cả về lợi nhuận lẫn lượng GHG phát thải.

Lò Tuynel là phương án lựa chọn tối ưu trong các công nghệ sản xuất gạch cả về hiệu quả kinh tế lẫn môi trường. Tuy nhiên vốn đầu tư ban đầu rất cao cùng với quy mô sản xuất lớn và máy móc sử dụng là những công nghệ tiên tiến cần có sự hiểu biết của người công nhân và nhân viên quản lý. Để có thể xây dựng kiểu lò Tuynel thì bước đầu cần có sự hỗ trợ vốn. Do đó, các cơ quan chức năng nên tạo điều kiện cho những chủ lò có cơ hội mạnh dạn đầu tư để ngành sản xuất gạch “sạch” hơn. Hiện tại trên địa bàn tỉnh An Giang chỉ có 20 lò nung áp dụng công nghệ mới trong số hơn 1.600 lò gạch đang hoạt động, vì vậy, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chủ lò gạch về tác hại đến môi trường, hoặc có những chế tài thích hợp để các cơ sở sản xuất theo mô hình thủ công chuyển dần sang các công nghệ mới ít ô nhiễm hơn.
LV (nguồn: Kỷ yếu HN ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lần 1)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả