Nghiên cứu vai trò của kỹ thuật dẫn lưu dịch tưới rửa trong nội soi tán sỏi đường mật xuyên gan qua da
14/04/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Bùi Tuấn Anh, Hoàng Mạnh An, Nguyễn Ngọc Bích thực hiện nhằm đánh giá kết quả làm giảm số lần tán sỏi, rút ngắn thời gian điều trị của việc áp dụng kỹ thuật dẫn lưu dịch tưới rửa trong nội soi tán sỏi đường mật xuyên gan qua da - một phương pháp điều trị lấy sỏi đường mật mới được áp dụng tại Việt Nam.
Nội soi tán sỏi đường mật xuyên gan qua da là một phương pháp điều trị lấy sỏi bằng nôi soi can thiệp, không phẫu thuật, khá an toàn và cho hiệu quả tốt, phù hợp với đặc điểm hay gặp sỏi trong gan ở nước ta. Hạn chế chủ yếu của phương pháp này là phải nhiều lần tán nếu sỏi phức tạp, làm cho thời gian điều trị kéo dài. Nguyên nhân chính của hạn chế là do một lượng lớn dịch tưới rửa đường mật trong lúc nội soi xuống ruột, làm bệnh nhân no nước căng chướng bụng, xuất hiện các cơn rét run. Do đó, kỹ thuật này thường phải kết thúc sớm, thời gian mỗi lần lấy sỏi thường không thể quá 60 phút.
Nghiên cứu tiến hành với 40 bệnh nhân sỏi đường mật được nội soi tán sỏi xuyên gan qua da, thực hiện tại khoa ngoại bụng bệnh viện 103 từ tháng 8/2004 – 11/2007, chia làm 2 nhóm: nhóm không áp dụng dẫn lưu dịch tưới rửa trong tán sỏi (20 bệnh nhân), nhóm có áp dụng kỹ thuật nói trên (20 bệnh nhân).
Kết quả, tuổi trung bình của bệnh nhân là 50 ± 9,1, cao nhất là 78, thấp nhất là 20 tuổi, lứa tuổi thường gặp nhất là 40-46. Thời gian của mỗi lần nội soi tán sỏi đường mật trung bình ở nhóm có dẫn lưu dịch rửa là 135 phút, cao hơn so với nhóm không dẫn lưu (45 phút), có ý nghĩa thống kê với p<0,001. Về lượng dung dịch tưới rửa được sử dụng (NaCl 9‰), thể tích nước rửa trung bình ở nhóm có dẫn lưu lớn hơn 3 lần so với nhóm không dẫn lưu, khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,001. Số lần tán sỏi trung bình cho mỗi bệnh nhân là 1,5. Tỷ lệ sạch sỏi 90%. Chưa thấy có sự khác biệt có ý nghĩa về tỷ lệ xuất hiện các rối loạn và biến chứng giữa 2 nhóm.
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 1/2008)