Đề tài do các tác giả Lê Văn Thái (Sở Y Tế tỉnh Kiên Giang) và Phạm Xuân Đà (Bộ Y Tế) thực hiện nhằm xác định thực trạng nhận thức, thái độ thực hành phòng chống ngộ độc do cá nóc của người dân tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Cá nóc là một loài rất phổ biến ở các vùng biển Việt Nam và rất dễ đánh bắt trong khi đánh bắt các loài cá khác. Do cá nóc chứa độc tố rất nguy hiểm đến tính mạng con người nên đã bị cấm đánh bắt, sử dụng. Tuy nhiên, trong thực tế việc sử dụng vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức như làm nước mắm, làm chả, phơi khô và nấu ăn trong các bữa ăn gia đình. Kết quả là ngộ độc thực phẩm do cá nóc có chiều hướng ngày càng gia tăng, hậu quả nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao… tình trạng này đặc biệt phổ biến ở các tỉnh ven biển Việt Nam, nhất là Quảng Trị.
Nghiên cứu được tiến hành trên các hộ gia đình, ngư dân vùng Gio Linh, Quảng Trị, nam chiếm 74,9%, nữ 25,1%, tuổi trung bình >40 (62,6%), 58,7% làm nghề ngư dân, 22,2% làm ruộng, 1% là công nhân…
Kết quả cho thấy, về kiến thức, 94,8% người dân nhận dạng được cá nóc với các loài cá khác, 98,0% biết về độc tính của cá nóc; 50,6% số người biết cách chế biến cá nóc, 49,4% không biết cách chế biến; số người biết về quy định chế biến, buôn bán cá nóc là 23,4% và không biết là 76,6%.
Về thái độ, 89,6% người dân tán thành không nên ăn cá nóc vì có thể gây tử vong do ngộ độc; 40,9% cho rằng chỉ ăn cá nóc nếu biết cách chế biến, 18,8% không đồng ý, 62,3% đồng ý quan điểm về việc cấm chế biến, tiêu thụ cá nóc và 18,2% không đồng ý; 96,1% ủng hộ chương trình phòng chống ngộ độc cá nóc.
Về thực hành phòng chống ngộ độc do cá nóc, 97,4% số hộ còn ăn cá nóc, trong đó 66,6% dùng ăn tươi, 4,2% làm nước mắm và 24,6% dùng phơi khô; 64,4% người dân sử dụng cá nóc là do thói quen từ trước, 27,3% người biết cá nóc độc nhưng vẫn sử dụng vì tin vào kỹ thuật chế biến của mình, người sử dụng cá nóc do không biết cá nóc độ chỉ có 5,6%; tỷ lệ người sử dụng cá nóc vì tiếc cá ngon không muốn bỏ đi là 1,3%.
LV (nguồn: Tạp Chí Y học thực hành, số 10/2007)