Sáng tạo là chìa khóa để đổi mới và phát triển. Hàng năm, dưới những góc nhìn khác nhau, nhiều tổ chức đưa ra các thống kê, phân tích để đo lường năng lực sáng tạo của mỗi quốc gia, của các trường đại học hay các doanh nghiệp. Bức tranh về năng lực sáng tạo thế giới năm 2016 được khắc họa sau đây.
Đổi mới sáng tạo trên toàn cầu
Nhằm đánh giá mức độ đổi mới sáng tạo của các nền kinh tế, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO - World Intellectual Property Organization) cùng với một số đơn vị khác thực hiện xếp hạng về đổi mới sáng tạo dựa trên chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (Global Innovation Index) được đưa ra từ năm 2007. WIPO kết hợp với Đại học Cornell (Mỹ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) thực hiện xếp hạng GII năm 2016 dựa trên 82 chỉ số (tính điểm từ 1 đến 100) thuộc 7 nhóm chính gồm: thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, kết cấu hạ tầng, yếu tố thị trường, môi trường kinh doanh, thành quả tri thức và công nghệ, kết quả sáng tạo. Việc khảo sát xếp hạng được thực hiện tại 128 nền kinh tế. Kết quả dẫn đầu đổi mới sáng tạo là những cái tên quen thuộc, được sắp xếp theo thứ tự lần lượt là Thụy Sỹ, Thụy Điển, Vương quốc Anh, Mỹ, Phần Lan (bảng 1)
Bảng 1: Các nền kinh tế dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2016
Nguồn: WIPO, Cornell University, INSEAD; Global Innovation Index 2016.
Trong nhóm các nền kinh tế có thu nhập cao, năng lực sáng tạo của Thụy Sỹ, Thụy Điển, Vương Quốc Anh luôn đứng đầu bảng trong những năm qua. Việt Nam được xếp thứ 3 trong nhóm các nền kinh tế thu nhập trung bình thấp (thứ 59 trong tổng số các nền kinh tế thế giới), trong khi đó Malaysia và Thái Lan được xếp trong nhóm các nền kinh tế có thu nhập trung bình cao, vị trí lần lượt là: thứ 2 và thứ 8 (Bảng 2).
Bảng 2: Các nền kinh tế dẫn đầu về sáng tạo xếp theo thu nhập năm 2016
Nguồn: WIPO , Cornell University, INSEAD; Global Innovation Index 2016.
Xét theo khu vực, đứng đầu là Bắc Mỹ có GII: 58,05, và thấp nhất là vùng Hạ Sahara châu Phi có GII: 25,56. Mỹ đứng đầu khu vực Bắc Mỹ, (xếp thứ 4 trong danh sách GII), tiếp tục là một trong những nền kinh tế mạnh về năng lực sáng tạo trên thế giới; Mauritius dẫn đầu khu vực Hạ Sahara châu Phi (vị trí thứ 53 trong danh sách GII); khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương: Singapore dẫn đầu, kế đến là Hàn Quốc (vị trí lần lược là thứ 6 và 11 trong danh sách GII) (Bảng 3). Tính riêng các nước trong khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí đầu bảng là Singapore (đứng thứ 6 trong bảng tổng xếp GII, vượt lên 1 bậc so với năm 2015), kế đến là Malaysia (vị trí 35) và Việt Nam (vị trí 59 trong bảng tổng xếp GII, giảm 7 bậc so năm 2015)(Bảng 4).
Bảng 3: Các nền kinh tế dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo xếp theo khu vực,
năm 2016
Nguồn: WIPO , Cornell University, INSEAD; Global Innovation Index 2016.
Bảng 4: Thứ hạng đổi mới sáng tạo của các nước ASEAN
Nguồn: WIPO; Global Innovation Index 2014,2015, 2016.
Sức sáng tạo của các trường đại học
2016 là năm thứ hai Reuters xếp hạng năng lực sáng tạo của các trường đại học. Danh sách xếp hạng (The Reuters 100: The World's Most Innovative Universities) được Reuters dựa trên thống kê phân tích số liệu về nộp đơn sáng chế (SC), các bài báo khoa học cũng như các trích dẫn trong cơ sở dữ liệu về sáng chế và thông tin khoa học và công nghệ của Thomson Reuters, và việc thương mại hóa các thành tựu nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Các trường đại học của Mỹ chiếm đa số trong danh sách các đại học sáng tạo năm 2016 với 46 trường trong top 100; Nhật đứng thứ nhì (9 trường); Pháp và Hàn Quốc cùng xếp thứ ba (8 trường); Vương Quốc Anh (5 trường); Đức (4 trường); Thụy Sỹ, Bỉ, Israel (3 trường); Đan Mạch, Trung Quốc, Canada (2 trường). Đứng đầu danh sách này là Đại học Stanford (Mỹ). Qua các thập kỷ, các cựu sinh viên Stanford đã chứng minh kết quả đào tạo của trường qua việc hình thành những đơn vị nổi tiếng như Hewlett Packard và Google; kế đến là Massachusetts Institute of Technology đã đạt những thành tựa nổi bật về những sáng tạo làm thay đổi thế giới trong lĩnh vực công nghệ số và công nghệ sinh học; thứ ba là Harvard University, một đại học có lịch sử 380 năm, có đến 47 giải Nobel. Korea Advanced Institute of Science and Technology (KAIST) của Hàn Quốc xếp thứ 6, là vị trí cao nhất chỉ sau 5 trường của Mỹ (Bảng 5).
Bảng 5: 20 trường đại học dẫn đầu về năng lực sáng tạo trên toàn cầu
Nguồn: David Ewalt, Reuters Top 100: The World's Most Innovative Universities – 2016.
Trong bảng xếp hạng các trường đại học khu vực châu Á (Reuters Top 75: Asia’s Most Innovative Universities): Trung Quốc có 22 trường; Hàn Quốc và Nhật có 20 trường; Úc (6); Singapore, Ấn Độ và Malaysia (2). Không xếp hạng là đại học của các quốc gia như Indonesia, Pakistan, Bangladesh, Philippines và Việt Nam.
Nhật và Hàn Quốc là hai quốc gia diện tích không lớn và dân số không đông ở châu Á nhưng là nước dẫn đầu khu vực về năng lực sáng tạo trong các trường đại học. Trong 20 trường dẫn đầu danh sách xếp hạng các trường đại học khu vực châu Á có 17 trường của Nhật và Hàn Quốc. Dẫn đầu là KAIST được Chính phủ Hàn Quốc thành lập năm 1971, theo mô hình đào tạo đại học sau đào tạo nghề ở Mỹ; kế đến là University of Tokyo của Nhật, được thành lập năm 1877, hiện có hơn 28 ngàn sinh viên, hợp tác nghiên cứu với gần 200 công ty trên thế giới. Sau các trường của Nhật và Hàn Quốc là Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore) đứng vị trí thứ 11 châu Á, thành lập 1905, hiện có khoảng 38 ngàn sinh viên. Trung Quốc có Đại học Thanh Hoa (Tsinghua University) xếp thứ 13 và Đại học Bắc Kinh (Peking University) xếp thứ 16 (Bảng 6).
Bảng 6: Các trường đại học dẫn đầu về năng lực sáng tạo ở châu Á
Nguồn: David Ewalt, Asia’s Most Innovative Universities.
Sáng tạo qua dữ liệu sáng chế
Phân tích năng lực sáng tạo dựa trên cơ sở dữ liệu sáng chế (SC) được IFI CLAIMS® Patent Services - một trong những đơn vị hàng đầu thế giới về dữ liệu sáng chế - công bố hàng năm. Qua phân tích dữ liệu sáng chế đăng ký tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO - US Patent and Trademark Office), IFI CLAIMS® Patent Services đã công bố báo cáo: “2016 IFI CLAIMS U.S. Top 50”. Một số nội dung được đề cập trong báo cáo này như sau:
Năm 2016 là năm có số lượng SC được USPTO cấp bằng nhiều nhất (304.126 SC). Phát triển ấn tượng nhất là lĩnh vực xử lý dữ liệu với lượng SC tăng cao (47.102 SC), kế đến là truyền thông số, truyền thông điện báo (30.608 SC), và lĩnh vực linh kiện bán dẫn, linh kiện điện tử mạch rắn (26.415 SC). Tuy nhiên, tăng mạnh so với năm 2015 là lĩnh vực mạng truyền thông không dây, tăng hơn 10% (Bảng 7). Các lĩnh vực công nghệ có nhiều SC trong năm 2016 đều phát triển mạnh trong 15 năm qua, hầu hết thuộc ngành công nghệ thông tin và truyền thông (BĐ 1).
Bảng 7: Lĩnh vực công nghệ có nhiều sáng chế năm 2016
CPC ( Cooperative Patent Classification System): phân loại sáng chế từ sự hợp tác giữa USPTO và EPO (Tổ chức Sáng chế châu Âu).
USPC (US Patent Classification): phân loại sáng Mỹ
Nguồn: IFI CLAIMS Patent Services, 2016 U.S. Patent Trends & Insights.
BĐ 1: Các lĩnh vực công nghệ phát triển trong 15 năm qua
Nguồn: IFI CLAIMS Patent Services, 2016 U.S. Patent Trends & Insights.
Trong Top 50 các đơn vị đăng ký SC tại USPTO năm 2016, số lượng SC tập trung ở 11 quốc gia, trong đó Mỹ chiếm 41% tổng số SC, kế đến là Nhật (28%), Hàn Quốc (15%), Đài Loan (4%), Đức (2,6%) và Trung Quốc 2,5% (BĐ 2, BĐ 3). Công ty IBM dẫn đầu số lượng SC đăng ký tại USPTO với 8.088 SC, kế đến là Samsung, Canon, Qualcomm và Google. Các công ty có lượng SC tăng mạnh so với năm 2015 là Nokia (tăng 74%), Hyundai (39%), China’s Huawei Technologies (50,3%), Amazon (46,3%) và Intel 35,9% (Bảng 8). | | BĐ 2: Tỉ lệ lượng sáng chế theo quốc gia*, năm 2016 Nguồn: IFI CLAIMS Patent Services, 2016 U.S. Patent Trends & Insights. |
BĐ 3: Số lượng sáng chế theo quốc gia*, năm 2016
Nguồn: IFI CLAIMS Patent Services, 2016 U.S. Patent Trends & Insights.
Ấn tượng là các công ty ở châu Á chiếm đến 50% lượng SC. Tuy vậy, 12 trong 17 công ty của Nhật trong Top 50 được ghi nhận có số lượng SC giảm so với năm 2015, đó là các công ty Brother, Canon, Denso, FUJIfilm, Honda, Panasonic, Ricoh, SELC, Sharp, Sony, Toshiba và Toyota. Các công ty của Mỹ có lượng SC tăng là Amazon, Apple, AT&T, Boeing, Cisco, Ford, IBM, Intel, Microsoft và Texas Instruments. Thống kê cho thấy Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan ngày càng chiếm lĩnh nhiều hơn thị trường SC ở Mỹ.
Bảng 8: 25 công ty dẫn đầu số lượng SC đăng ký tại USPTO, năm 2016
Nguồn: IFI CLAIMS Patent Services, 2016 U.S. Patent Trends & Insights.
Ngoài ra, Công ty Xuất bản và Truyền thông Forbes (Mỹ) cũng thực hiện xếp hạng “100 công ty sáng tạo nhất thế giới” hàng năm. Cách xếp hạng dựa trên nhận thức của những nhà đầu tư, những kỳ vọng sẽ đạt được từ đổi mới sáng tạo. Thước đo để xếp hạng là giá trị công ty được gia tăng nhờ đổi mới sáng tạo (Innovation Premium), được tính từ sự khác biệt giữa giá trị vốn hóa thị trường của một công ty và giá trị thuần của dòng tiền từ các lĩnh vực kinh doanh có sẵn. Trong bảng xếp hạng năm 2016, danh sách top 20 vắng bóng những cái tên đình đám như Apple, Google hay Samsung,…và có đến 6 đơn vị hoạt động trong ngành công nghệ sinh học (Bảng 9)
Bảng 9: Các công ty sáng tạo năm 2016
Nguồn: www.forbes.com
ANH TÙNG, STINFO số 1&2/2017
Tải bài này về tại đây.