Đề tài do các tác giả Nguyễn Vũ Tường Vy, Nguyễn Văn Thanh, Trần Thu Hoa (Bộ môn Vi sinh Ký sinh – Khoa Dược, ĐH Y Dược TP.HCM) thực hiện khảo sát vi sinh vật probiotic gồm vi khuẩn Lactic (Lactobacillus aci-dophilus, Lactobacillus casei, Streptococus fae-calis), vi khuẩn tạo bào tử Bacillus subtilis và nấm men Saccharomyces boulardii.
Probiotic thường được dùng bằng đường uống nên phải có các đặc tính như dính được vào biểu mô ruột, đảm bảo an toàn sinh học, chịu được acid và các enzym của dạ dày và tuỵ, phải chịu được muối mật trong đường ruột… Probiotic thường được chỉ định uống trong thời gian điều trị cùng với các thuốc kháng sinh để phòng mất cân bằng các vi sinh vật chi trong đường ruột, các chủng dùng làm Probiotic cần có khả năng chịu được kháng sinh.
Nghiên cứu tiến hành khảo sát các chủng vi sinh vật là () Bacillus subtilis PY 79, Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus casei, Saccharomyces boulardii, Streptococcus faecalis; dùng các phương pháp thử khả năng chịu đựng acid, muối mật, kháng sinh…
Kết quả cho thấy, Bacillus subtilis chịu được môi trường acid trong 2 giờ ở pH 1, 2, 3 và 4 lần lượt là 3, 9, 70 và 85%, chịu được môi trường có 0,5 - 1% và 1,5 - 2% muối mật trong 10 giờ lần lượt là 2 và 1%. Bacillus subtilis đề kháng với ít nhất là 4 kháng sinh, có thể chịu được ampicillin (32 μg/ml) hơn 10 giờ, streptomycin (2 mg/ml) hơn 5 giờ. Lactobacillus acidophilus và Lactobacillus caesei chịu được môi trường acid trong 2 giờ ở pH 1 và 2 với tỷ lệ rất thấp nhưng ở pH 3 và 4 là 41-65%; đề kháng với ít nhất là 3 kháng sinh, có thể chịu được ampicillin (32 μg/ml), streptomycin (32 μg/ml) hơn 10 giờ. Streptococcus feacalis chịu được môi trường acid trong 2 giờ ở pH 1-3 với tỷ lệ rất thấp và pH 4 là 75%, chịu được môi trường có 0,5-2% muối mật trong 10 giờ là 0,5-0,003%; đề kháng với ít nhất 3 kháng sinh, chịu được ampicillin (32 μg/ml) và streptomycin (2 mg/ml) hơn 5 giờ. Saccharomyces boulardii chịu được môi trường acid trong 2 giờ ở pH 1, 2, 3-4 lần lượt là 5, 16 và 31%, chịu được môi trường có 0,5, 1 và 1,5-2% muối mật trong 10 giờ lần lượt là 10, 5 và 4%; chịu được ampicillin (32 μg/ml) và streptomycin (2 mg/ml) hơn 10 giờ.
LV (nguồn: Tạp Chí Dược học, số 378-10/2007)