Kết quả nghiên cứu đặc điểm sinh sản của giống gà nòi nuôi thả vườn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long
31/07/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do ThS. Nguyễn Văn Quyên (khoa Nông nghiệp trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Cần Thơ) và PGS.TS Võ Văn Sơn (khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng trường ĐH Cần Thơ) thực hiện nghiên cứu đặc điểm sinh sản của giống gà nòi nuôi thả vườn, giúp người chăn nuôi hiểu rõ thêm khả năng sinh sản của giống gà nòi địa phương, từ đó giúp người chăn nuôi có những biện pháp hợp lý trong quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả trong sản xuất.
Nghiên cứu tiến hành với 100 gà mái nòi đẻ được nuôi theo phương thức thả vườn, thời gian nuôi bắt đầu từ mới nở đến 2 năm tuổi đẻ tại trại thực nghiệm trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Cần Thơ và phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ; mẫu tại các nông hộ chăn nuôi gà nòi ở các tỉnh ĐBSCL từ 12/2004-4/2007.
Kết quả cho thấy, gà nòi được nuôi ở các tỉnh ĐBSCL theo phương thức thả vườn ở các nông hộ có thời gian đẻ muộn so với các giống gà thả vườn khác. Thời gian đẻ trứng so đạt 5% trong tổng đàn là 219,10 ngày (Cv% = 2,48), gà mái đẻ trung bình 3,65 lứa/mái/năm, năng suất trứng thấp 48,35 quả/mái/năm, khối lượng trứng tương đối lớn 48,87g (Cv% = 3,68). Chất lượng trứng nhìn chung rất cao, tỷ lệ lòng đỏ đạt 37,77%, cao hơn các giống gà khác, các thông số khác về chất lượng trứng đạt tiêu chuẩn chung của trứng gia cầm hiện nay. Tuy nhiên khả năng ấp nở tự nhiên của gà nòi còn thấp, chỉ đạt 81,04%. Thịt gà nòi là một đặc sản ngày càng được thị trường nội địa tiêu thụ mạnh và có nhiều tiềm năng xuất khẩu lớn, hơn nữa nhu cầu chọi gà hiện nay rất khan hiếm, giá bán rất cao. Nhưng nhìn chung năng suất cùa gà nòi hiện nay nuôi theo phương thức thả vườn ở các nông hộ còn thấp, đây là một vấn đề đặt ra đòi hỏi các nhà chuyên môn cần nghiên cứu để tìm ra quy trình chăn nuôi thích hợp cho giống gà nòi nhằm mang lại năng suất và hiệu quả cho nhà chăn nuôi.
LV (nguồn: TC NN&PTNT số 3/2008)