SpStinet - vwpChiTiet

 

Chuyển giao công nghệ - cần phát triển các tổ chức trung gian


 

Nhiều công nghệ nội sinh có giá trị đã ra đời và nhu cầu cải tiến đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp (DN) không ít, nhưng việc chuyển giao ứng dụng công nghệ vào thực tiễn chưa được như mong đợi. Thực tiễn đòi hỏi phải phát triển các tổ chức trung gian cho thị trường công nghệ.
 


Nhiều công nghệ nội sinh sẵn sàng chuyển giao
 

Nhiều kỳ Chợ Công nghệ và Thiết bị (CN&TB) được tổ chức hàng chục năm qua với qui mô đa dạng tại nhiều địa phương khác nhau, kể cả các chợ CN&TB ảo trên internet đã tạo điều kiện giới thiệu nhiều CN&TB trong nước đến với các địa chỉ có nhu cầu. Tại TP. HCM, những năm gần đây, Chợ CN&TB chuyên ngành được Trung tâm Thông tin Khoa học & Công nghệ TP. HCM tổ chức định kỳ hàng quí, mỗi kỳ chợ có vài chục đơn vị giới thiệu hàng trăm CN&TB được sáng tạo trong nước. Nhiều CN&TB chất lượng và phù hợp với nhu cầu thực tiễn đã được giới thiệu như công nghệ chế biến sản phẩm từ trái thơm, công nghệ lọc nước đóng bình, hệ thống máy đóng gói trong dây chuyền thực phẩm, máy gieo hạt tự động,...


Nhiều đơn vị và cá nhân nghiên cứu công nghệ và chế tạo thiết bị có nhiều cố gắng để đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm, có thể kể đến như Đại học Nông lâm TP. HCM, Viện Công nghiệp thực phẩm tại TP. HCM, Trung tâm Phát triển Công nghệ và Thiết bị (LIDUTA), Trung tâm Phát triển Công nghệ và Thiết bị công nghiệp Sài gòn,... hầu như luôn có mặt trong các kỳ Chợ CN&TB và giới thiệu đa dạng các CN&TB sẵn sàng chuyển giao.


Gần đây nhất, tại hoạt động “Trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ khu vực Nam Bộ 2015” (TechDemo 2015), Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM trưng bày giới thiệu nhiều CN&TB do các đơn vị trong nước chế tạo sẵn sàng chuyển giao như thiết bị lọc nước biển, hệ thống xử lý nước thải kết hợp thu hồi protein, máy lọc rượu, máy cán mì,…Trong đó, thiết bị lọc nước biển có kích thước nhỏ gọn (0,8x0,5x1,1m), có khả năng lọc được 30 lít/giờ, sử dụng cho các tàu cá đánh bắt xa bờ, các vùng hải đảo, vùng nước nhiễm mặn. Giá thành chuyển giao hoàn chỉnh chỉ khoảng 90 triệu đồng/bộ, phù hợp cho nhiều cá nhân, đơn vị trong hoàn cảnh nguồn dự trữ nước ngọt khi đi trên biển tương đối khó khăn.



Thiết bị lọc nước biển được giới thiệu tại Tech Demo 2015.
Ảnh: LV.


Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Thương mại Nhất Tinh (TP. HCM) cũng tích cực giới thiệu, trình diễn các sản phẩm nghiên cứu từ thực hiện các đề tài do Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM tài trợ kinh phí: robot cấp cán bàn chải tự động và hệ thống tự động tạo dây khoen giày. Đại diện Công ty Nhất Tinh cho biết đã chuyển giao được trên 30 máy cho các DN và tiếp tục tìm kiếm cơ hội để mở rộng thị trường.


Hay như tại Khánh Hòa, nhà sáng chế Bùi Văn Hòa đã hoàn thiện máy sản xuất bánh hỏi tự động sau 7 năm nghiên cứu và đã lắp đặt chuyển giao cho 3 đơn vị sản xuất bánh hỏi tại xã Diệu Thủy, huyện Diên Khánh. Hiện nhu cầu trang bị hệ thống này cho các hộ sản xuất trong và ngoài tỉnh rất nhiều nhưng ông không thể đáp ứng do khó khăn về vốn và điều kiện sản xuất.



Sở KH&CN TP. HCM giới thiệu nhiều sản phẩm nghiên cứu sẵn sang chuyển giao
như thiết bị lọc nước biển, máy cán mì,…
Ảnh: LV.

 


Nhiều… nhưng chuyển giao - ứng dụng còn nhiều bất cập 
 

CN&TB nội sinh hiện nay khá dồi dào, nhưng các đơn vị nguồn cung vẫn rất lúng túng trong việc chuyển giao. Nhiều ý kiến tại các hội thảo, diễn đàn cũng nhận định rằng, đã có những CN&TB tốt trong nước, nhưng còn nhiều bất cập trong chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn. Những số liệu về CGCN của các viện, trường, DN hay tại các hoạt động chợ CN&TB, trình diễn kết nối cung-cầu công nghệ còn rất khiêm tốn so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Ông Trịnh Thái Xiêm, Trưởng phòng Dịch vụ Chuyển giao công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM) cho biết, khó khăn trong việc CGCN hiện nay là chưa có nhiều thông tin về nhu cầu của DN, một số CN&TB chưa thực sự đáp ứng nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, các DN chưa quan tâm đánh giá đầy đủ về vai trò của đầu tư phát triển công nghệ; chưa có nhiều thông tin về các hoạt động CGCN, chưa nắm rõ chính sách ưu đãi và các vấn đề có liên quan đến hỗ trợ, đổi mới, CGCN.


Một trong những nguyên nhân khiến việc CGCN chưa hiệu quả được đề cập rất nhiều là mối liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học và DN chưa thực sự chặt chẽ. Do vậy, có thể thấy một thực trạng là viện trường có nhiều công nghệ tốt, DN cũng rất cần nhưng hai bên lại chưa “tìm thấy nhau”. Theo bà Vũ Kim Hạnh (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao), việc liên kết viện/trường và DN còn tồn tại một số vấn đề khúc mắc mà trở ngại lớn nhất là mối quan hệ lòng tin. Với DN, họ tìm đến viện/trường là để giải quyết chuyện “làm ăn”, có tính toán lỗ lãi rất thực tế, trong khi nhà trường còn nhiều lúng túng khi “làm ăn” với DN. Mặt khác, phát triển thị trường công nghệ được xem là giải pháp căn bản nhưng đến nay mới ở dạng sơ khai, hành lang pháp lý vẫn đang còn phải hoàn thiện, các định chế hỗ trợ thị trường chưa phát triển, các cơ chế gắn kết cung cầu còn lỏng lẻo,… PGS.TS. Trịnh Công Vấn (Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi Mekong) cũng cho rằng, mối quan hệ giữa các DN và các nhà khoa học còn những khoảng cách nhất định. Trong đó, vai trò dẫn dắt của Nhà nước còn mờ nhạt, thiếu những chính sách khuyến khích DN đầu tư phát triển KH&CN; các DN chưa thực sự thấy KH&CN sẽ giúp họ vượt lên trong cạnh tranh thị trường; những DN có ý tưởng đầu tư thì gặp khó khăn trong việc kết nối với lực lượng nghiên cứu khoa học. Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn (Phó Giám đốc Công ty CP Dược và Vật tư thú y – HANVET), hiện nay, nghiên cứu và ứng dụng KH&CN là sự sống còn của DN. Mục tiêu của tất cả các nghiên cứu và phát triển đều phải thực tế, dựa theo yêu cầu thực tế của sản xuất, xã hội. DN làm nghiên cứu không viển vông, mà có mục đích cụ thể là làm ra sản phẩm phục vụ xã hội. Do vậy cần xác định đúng hướng, lựa chọn và áp dụng công nghệ phù hợp để làm ra các sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên, thực tế sự liên kết nhà nước – cơ sở nghiên cứu – doanh nghiệp còn yếu, chưa hình thành được chuỗi liên kết nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm nên chủ yếu DN vẫn phải tự làm, dẫn đến lãng phí nhân lực, vật lực. Trong khi nguồn lực chất lượng cao tập trung ở các viện, trường, mà DN thì khó liên kết, không mua được công nghệ, một số nhà khoa học còn thụ động,… dẫn đến việc chuyển giao công nghệ của các đơn vị nghiên cứu trong nước còn rất khiêm tốn.



Công ty Nhất Tinh (TP. HCM) trình diễn máy tạo dây khoen giày.
Ảnh: LV.

Mặt khác, một số DN vẫn có tâm lý e ngại sản phẩm công nghệ Việt. Trong khi đó, các kênh thông tin quảng bá công nghệ, thành tựu khoa học từ các đơn vị nghiên cứu đến DN và công chúng còn thiếu vắng; tác giả sản phẩm công nghệ thì thiếu kỹ năng tiếp thị sản phẩm của mình.


Một nguyên nhân khác, như Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhận định, đó là thị trường công nghệ của chúng ta còn khá non kém, chưa có được nhiều sự chuẩn bị như các thị trường bất động sản, kinh tế,... Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 đã đề cập đến nhiều giải pháp phát triển định chế trung gian, thực tế đây là khâu yếu nhất trong thị trường công nghệ. Các định chế trung gian giúp kết nối cung và cầu hiện đang rất thiếu.



Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân tham quan các gian hang tại Tech Demo 2015.
Ảnh: LV.



Tích cực thực hiện các giải pháp


Trước mắt cần xây dựng được một định chế trung gian đủ mạnh. Trong đó, các mô hình chợ CN&TB, sàn giao dịch công nghệ, trình diễn kết nối cung-cầu công nghệ hiện nay có vai trò rất quan trọng. Đây là nơi các nhà khoa học và DN gặp được nhau, tìm hiểu nhu cầu của nhau để hợp tác, chuyển giao kết quả nghiên cứu và sản xuất kinh doanh một cách thuận lợi nhất. Các giải pháp cụ thể đã và đang được triển khai là: đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng với mạng lưới tổ chức dịch vụ KH&CN đồng bộ đi kèm; đa dạng hóa các hình thức hoạt động và nâng cao tỷ lệ giao dịch thành công tại các chợ CN&TB; hỗ trợ thành lập các công ty định giá công nghệ, xuất nhập khẩu công nghệ, tổ chức CGCN trong các trường đại học và viện nghiên cứu; khuyến khích, hỗ trợ phát triển các tổ chức thuộc khu vực tư nhân thực hiện dịch vụ kỹ thuật, môi giới, tư vấn, đánh giá, định giá, thẩm định công nghệ,…


Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động truyền thông KH&CN để thông tin đến thị trường các sản phẩm, thiết bị KH&CN mới, hiệu quả cao được sản xuất ở trong nước. Các viện, trường cần xây dựng các kênh thông tin quảng bá rộng rãi sản phẩm của mình, kết nối để nắm bắt nhu cầu thị trường, kết nối với truyền thông để nhà khoa học gần hơn với DN. Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo sự đồng bộ, thông thoáng trong phát triển KH&CN, hỗ trợ về thông tin KH&CN để DN có định hướng đầu tư đổi mới KH&CN; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm công nghệ, tăng cường liên kết, CGCN của DN.

 

LAM VÂN, STINFO số 3/2016

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả