Chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành Hóa, Dược và Môi trường 2013 đã quy tụ được hơn 50 công nghệ và thiết bị (CN&TB) phù hợp với nhu cầu sản xuất của 20 đơn vị nghiên cứu, chế tạo tại TP.HCM, góp phần giới thiệu đến các cá nhân và đơn vị có nhu cầu đầu tư, đổi mới công nghệ.
Ngành công nghiệp hóa dược nước ta hiện nay vẫn rất khiêm tốn về quy mô cũng như chủng loại sản phẩm, chủ yếu thực hiện bào chế gia công, hầu như các nguyên liệu hóa dược đều phải nhập ngoại với tỷ lệ khá cao. Tương tự, ngành môi trường cũng gặp những vấn đề về đầu tư kinh phí cao, trang thiết bị lạc hậu, giải pháp về công nghệ cho các hoạt động bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có điều kiện tiếp xúc với các giải pháp tiên tiến trên thế giới.
Để hỗ trợ cho sự phát triển của ngành hóa, dược và môi trường đồng thời tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình Techmart, được sự chỉ đạo của Sở Khoa học & Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin Khoa học & Công nghệ tổ chức Chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành Hóa, Dược và Môi trường, diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/12/2013 với các hoạt động chính: trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hội thảo giới thiệu công nghệ và thiết bị, ký kết hợp đồng hợp tác phát triển công nghệ … Các đơn vị tham gia gồm có một số trường đại học lớn tại TP.Hồ Chí Minh, các phòng và trung tâm nghiên cứu thuộc trường Đại học, các công ty hoạt động trong lĩnh vực hóa chất, dược phẩm và môi trường, các công ty cung cấp máy móc và thiết bị dùng trong chuyên ngành trong ngành Hóa, Dược và Môi trường.
Trong số 50 CN&TB được giới thiệu tại Techmart Hóa, Dược và Môi trường 2013 có thể nêu một số CN&TB tiêu biểu như sau:
1. Công nghệ sử dụng bã khoai mì để sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Nguyên liệu đầu vào là bã khoai mì hoặc thân cây bắp (hoặc cỏ) được bổ sung phụ gia, chỉnh độ ẩm, cấy giống VSV hữu ích đóng bao và ủ tĩnh trong thời gian từ 3-5 ngày ở nhiệt độ thường. Sản phẩm phải được bảo quản trong bao kín ở điều kiện thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Nguyên liệu sau lên men là 1 dạng chế phẩm sinh học có thành phần gồm tổng VSV hữu ích ≥ 106 CFU/g, Coliforms trong giới hạn cho phép, pH 4, có mùi thơm và vị chua, thời gian bảo quản 6 -12 tháng trong bao kín ở điều kiện nhiệt độ thường. Nguyên liệu sau ủ lên men được sử dụng để làm bổ sung vào thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Công nghệ chuyển giao có công suất: 1-2 tấn/ngày.
Ưu điểm của Công nghệ/thiết bị:
• Quy trình và thiết bị đơn giản
• Giá thành thấp hơn so với chế phẩm và công nghệ nhập ngoại cùng loại
• Tăng giá trị sử dụng và kéo dài thời bảo quản so với nguyên liệu ban đầu.
2. Hệ thống xử lý nước nhiễm sắt và Arsen quy mô hộ gia đình
Ưu điểm của hệ thống:
• Hiệu quả xử lý arsen khoảng 98 – 99%
• Hiệu quả loại bỏ hoàn toàn sắt
• Vật liệu dễ tìm trên thị trường
• Vận hành đơn giản
• Phù hợp với quy mô hộ gia đình
• Không gây ảnh hưởng đến sức khỏe
• Chi phí điện năng thấp
3. Hệ thống xử lý rác thải, công nghệ Plasma Pyrolysis
Hệ thống giúp tiêu hủy chất thải nguy hại dạng rắn và lỏng, để thu hồi khí nhiên liệu (Syngas), chạy máy phát điện.
Ưu điểm của hệ thống:
• Không gây ô nhiễm bầu khí quyển như các lò đốt bằng dầu/khí.
• Chất thải thứ cấp là bằng 0% (so với các lò đốt thông thường là 15%).
• Công suất xử lý: Từ 1 tấn/ngày đến 600 tấn/ngày.
Bên cạnh trưng bày giới thiệu sản phẩm, Techmart Hóa, Dược và Môi trường 2013 còn có các HỘI THẢO CHUYÊN NGÀNH.
Đối với ngành hóa: nổi bật có hội thảo giới thiệu “Hóa ứng dụng trong các bộ kit kiểm tra nhanh môi trường nước và không khí” do TS. Trần Thị Ngọc Lan – Khoa Hóa trường ĐH KHTN TP.HCM trình bày.
Mục tiêu của buổi hội thảo nhằm:
• Tăng cường kiến thức về chất lượng nước để đảm bảo tôm nuôi khỏe mạnh.
• Cung cấp các kit thử nhanh để kiểm tra chất lượng nước.
• Tăng cường kiến thức xử lý môi trường.
• Tăng cường kiến thức về phòng ngừa dịch bệnh.
• Tăng cường kiến thức về an toàn thực phẩm.
Đối với chuyên ngành dược: sẽ có hội thảo giới thiệu “Ứng dụng công nghệ Nano trong Y Dược học, ứng dụng Nano Curcumin trong phòng và trị bệnh” của Công ty CP Dược VCI – đơn vị hợp tác với Viện Hóa Học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giới thiệu.
Hiện nay, công nghệ nano đang tạo nên bước đột phá và cuộc cách mạng trong chẩn đoán và điều trị bệnh do các sản phẩm có kích thước nano dễ dàng xâm nhập vào mô, dịch cơ thể và tế bào. Với các dược chất ít tan, công nghệ nano giúp tăng độ tan, tăng khả năng hấp thu, duy trì nồng độ cao trong máu, tăng hiệu quả điều trị, giảm liều lượng thuốc cho bệnh nhân, giảm độc tính, đặc biệt với các hoạt chất điều trị ung thư.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là đơn vị đầu tiên chế tạo thành công Nano Curcumin tại Việt Nam từ nguồn Curcumin chiết xuất từ cây nghệ vàng trồng trong nước, với kích thước tiểu phân nano 50-70nm, độ tan trong nước đạt 10%, đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương chế phẩm Nano Curcumin của Mỹ, cao hơn chế phẩm của Ấn Độ, Trung Quốc … Curcumin có nhiều hoạt tính sinh học quý như: chống viêm, chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống ung thư, bảo vệ gan, bảo vệ thận, ức chế tắc mạch, phòng nhồi máu cơ tim, chống thấp khớp. Đặc biệt nhiều nghiên cứu đã chứng minh Curcumin có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư mạnh do ức chế cả 3 giai đoạn hình thành, phát triển và di căn ung thư. Đồng thời Curcumin có khả năng dung nạp tốt, an toàn ngay cả khi dùng với liều cao và kéo dài.
Bước đầu các nhà khoa học đã nghiên cứu so sánh dược động học của Nano Curcumin và Curcumin cho thấy khả năng hấp thu của Nano Curcumin cao hơn từ 50-70 lần so với Curcumin.
CumarGold, sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam chứa Nano Curcumin, có tác dụng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư, viêm loét dạ dày tá tràng, bệnh lý gan mật và một số bệnh mạn tính. Sản phẩm đánh dấu bước khởi đầu cho mô hình hợp tác chuyển giao đề tài nghiên cứu giữa các nhà khoa học và các công ty dược phẩm, mở ra tiềm năng to lớn trong việc ứng dụng công nghệ Nano vào sản xuất một số dạng thuốc mới, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm … đáp ứng một phần nhu cầu phòng và chữa bệnh của nhân dân.
Đối với ngành môi trường: điển hình có hội thảo giới thiệu “Công nghệ Plasma lạnh trong xử lý tiệt trùng không khí tại bệnh viện, phòng thí nghiệm, trường học hoặc nơi công cộng” do TS. Trần Ngọc Đảm - ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM giới thiệu.
Công nghệ Plasma lạnh giúp mang đến khí sạch cho những nơi như cơ sở y tế, trườnghọc, bệnhviện, tòa nhà trung tâm, cơ sở đóng gói bảo quản thực phẩm…có lượng khí độc hại, mùi khó chịu, chứa đựng mầm lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hại đến môi trường sống và đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
So với phương pháp truyền thống, công nghệ Plasma ứng dụng trong tiệt trùng không khí có ưu điểm (xem hình vẽ): Xử lý nhanh và hiệu quả, chất ôxy hóa mạnh, hiện tượng vật lý và động lực học của các hạt mang điện làm phá vỡ các thành phần độc hại và diệt khuẩn trong không khí.
So sánh quy trình xử lý không khí theo phương pháp cũ và Plasma
Nguyên lý hoạt động của máy tiệt trùng không khí công nghệ Plasma
Hội thảo “Ứng dụng hiệu quả khí sinh học Biogas” do PGS.TS. Huỳnh Quyền – Đại học Bách Khoa TP.HCM giới thiệu. Trong buổi hội thảo này, tác giả sẽ giới thiệu công nghệ làm sạch lưu huỳnh (H2S) trong khí Biogas. H2S rất độc hại đối với sức khỏe con người, gây mùi, gây ăn mòn thiết bị cao.
Quy trình xử lý H2S bằng vật liệu hấp thụ
Quy trình tạo viên vật liệu hấp thụ tách H2S
Ngoài ra, trong khuôn khổ Chợ còn diễn ra buổi ”Báo cáo về các hoạt động hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp của Sàn Giao dịch Công nghệ TP.HCM” do Ông Lương Tú Sơn – Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học & Công nghệ TP. Hồ Chí Minh trình bày; và “Hoạt động hỗ trợ của Khu công nghệ cao cho doanh nghiệp khi vào được Vườn ươm” (Khu công nghệ cao, ĐHBK TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM) do các đại diện của vườn ươm trình bày.
Nguồn: Techmart Daily